Hrdc Logo Web

Quản trị sự thay đổi_Bài học từ câu chuyện ngụ ngôn và chuyện đời thực của Wal-Mart

Quản trị sự thay đổi_Bài học từ câu chuyện ngụ ngôn và chuyện đời thực của Wal-Mart

                Tạm thời bỏ qua những khái niệm khô khan, hãy cùng HRDC khám phá câu chuyện ngụ ngôn về quản trị sự thay đổi của John Kotler và câu chuyện thực tế về sự thất bại của Wal-Mart tại Hàn Quốc nhé. 

          1.Câu chuyện ngụ ngôn về Quản trị sự thay đổi – “Tảng băng tan”

          Ngày xưa, có một bộ tộc chim cánh cụt sống trên một tảng băng ở vùng Nam Cực lạnh lẽo. Trong bộ tộc có một anh chàng tên Fred. Không giống như những chim cánh cụt khác, Fred ít giao thiệp hơn bình thường, chàng thích quan sát mọi việc xung quanh. Fred đã phát hiện thấy trong tảng băng bộ tộc đang sinh sống có chứa những túi nước. Khi mùa đông đến, các túi nước này sẽ đóng băng. Nước chuyển thành băng sẽ bị giãn nở thể tích sẽ làm tảng băng vỡ tan thành nhiều mảnh. Tính mạng của cả bộ tộc sẽ bị đe dọa.

        Fred lo lắng vì chưa biết làm thế nào để cảnh báo cho bộ tộc. Fred vẫn nhớ anh bạn Harold bị đối xử như thế nào khi cảnh báo mọi người về các hiểm họa. Fred quyết định gặp một vị trong Hội đồng lãnh đạo bộ tộc có tên là Alice. Đó là một nàng cánh cụt gai góc, thực tế & ưa hành động. Sau khi nghe Fred trình bày, Alice đã đồng ý giới thiệu để Fred phát biểu trước Hội đồng lãnh đạo. Fred lo lắng vì chưa biết làm thế nào để thuyết phục các vị cao niên trong Hội đồng. 

        Và đúng như lo lắng của Fred, khi nghe trình bày nhiều người, trong đó đặc biệt là một vị có tên NoNo, đã cho rằng cảnh báo này không đáng tin cậy, và không có gì phải hoảng loạn. Không dừng lại, Fred quyết định làm một thí nghiệm bằng cách cho nước vào một cái chai thủy tinh & để ngoài trời qua đêm. Fred cả quyết với mọi người cái chai sẽ vỡ khi nước trong chai đóng băng vào sáng hôm sau. Khi nhìn thấy cái chai vỡ, mọi người đã thực sự tin lời cảnh báo của Fred.

       Khi nhận thức được vấn đề, một số đã đề nghị vị Trưởng tộc, Louis, phải có TRÁCH NHIỆM giải quyết vấn đề này. Một số khác gợi ý Louis ủy quyền cho những người trẻ tuổi hơn. Nhưng với khả năng lãnh đạo của mình, Louis có cách giải quyết của riêng mình. Louis quyết định thành lập một đội ngũ các chim cánh cụt ưu tú, trong đó có người hiểu chuyên môn. Trong khi các chim cánh cụt khác vẫn mải mê tranh cãi về nguyên nhân của vấn đề & cách khắc phục, Fred lại để tâm quan sát & suy ngẫm. Trong một lần quan sát loài mòng biển di cư, Fred nảy ra một ý định táo bạo nhằm thay đổi cách sống của bộ tộc: luôn tìm những vùng đất mới.

         Sau khi xác định được hướng giải quyết, Louis quyết định triệu tập cuộc họp toàn bộ tộc để truyền đạt viễn cảnh mới của bộ tộc. Một nhóm trinh sát được thành lập để thăm dò miền đất mới. Nhưng lúc này lại nảy sinh những trở ngại trong việc cung cấp thực phẩm cho nhóm trinh sát, vì theo truyền thống chim cánh cụt không chia sẻ thức ăn cho người ngoài gia đình. NoNo nhân cơ hội đó đã khuyếch đại những khó khăn này và làm cho nhiều chim cánh cụt hoang mang. Louis quyết định dùng mẹo để tách NoNo ra khỏi hoạt động chuẩn bị của bộ tộc. Đồng thời Louis cũng tìm cách lôi kéo mọi người kể cả chim trẻ em vào công cuộc đổi mới.

          Nhóm trinh sát cũng hoạt động rất chăm chỉ và luôn cập nhật thông tin về các vùng đất đã tìm được. Cuối cùng thì bộ tộc cũng chọn được một tảng băng đạt yêu cầu. Bộ tộc cánh cụt đã di chuyển thành công tới ngôi nhà mới dù có một vài khó khăn. Ngay sau khi tới nơi ở mới, bộ tộc vẫn không quên đi tìm kiếm các vùng đất khác có điều kiện thuận tiện hơn. Môn học “Huấn luyện trinh sát” sau đó đã được bổ sung vào hệ thống giáo dục của bộ tộc. Ngày nay bộ tộc chim cánh cụt di chuyển khắp nơi và hầu như tất cả đều chấp nhận điều đó.

        Qua câu chuyện ngụ ngôn quản trị sự thay đổi thông qua hình ảnh ẩn dụ về bộ tộc chim cánh cụt, John Kotter muốn gửi một thông điệp tới các nhà lãnh đạo đổi mới về quá trình để đảm bảo sự thay đổi được thực hiện thành công.

        2. Câu chuyện đời thực về Quản trị sự thay đổi của Wal-Mart khi gia nhập thị trường Hàn Quốc

          Wal-Mart, chuỗi bán lẻ giá rẻ hàng đầu trên thế giới, là một trong những công ty tư nhân thành công nhất nước Mỹ. Có nhiều yếu tố dẫn đến thành công này, trong đó có việc gần đây Hãng đã sử dụng cấu trúc mô hình của Alexander Osterwalder (nhà nghiên cứu về mô hình kinh doanh, doanh nhân, diễn giả) dựa trên 9 thành phần chính: Phân khúc khách hàng; Đề xuất giá trị; Kênh phân phối; Quan hệ khách hàng; Dòng doanh thu; Các nguồn lực then chốt; Các hoạt động then chốt; Các đối tác then chốt; Cấu trúc chi phí.

         Áp dụng mô hình Osterwalder, đề xuất giá trị của Wal-Mart dựa trên giải pháp cho khách hàng là giá rẻ mỗi ngày. Wal-Mart không những bán hàng tiện nghi với nhiều chủng loại mà còn là nơi dừng chân mua sắm một lần, nơi khách hàng có thể mua từ cây kim, sợi chỉ đến hàng công nghiệp. Với đề xuất giá trị này, khách hàng sẽ tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

         Tuy nhiên, cũng với mô hình này Wal-Mart đã thất bại và phải rút khỏi Hàn Quốc.

         Nguyên nhân chủ yếu sự thất bại đau đớn của Hãng là chiến lược bản địa hóa sai lầm. Wal-Mart tại Hàn Quốc đã vội vã áp dụng gần như 80% mô hình siêu thị ở các nước phương Tây. Các siêu thị của Wal-Mart ở phương Tây thường được đặt xa trung tâm thành phố nhằm giảm chi phí thuê đất để hạ giá thành sản phẩm. Vì tần suất đi siêu thị của người phương Tây khá thấp: 1 -2 lần/ tuần nên họ sẵn sàng lái xe đến những khu ngoại vi thành phố và mua hàng với số lượng lớn tích trữ trong nhà.

         Ngược lại, người tiêu dùng Hàn Quốc lại là những khách hàng tận tụy hơn hẳn. Trung bình, 1 người dân Hàn Quốc đi siêu thị 2 -3 lần/ tuần vì họ luôn muốn được mua thực phẩm tươi sống hằng ngày. Diện tích nhà nhỏ cũng là một yếu tố khiến người dân Hàn Quốc không có đủ không gian để tích trữ hàng hóa nên họ thường mua hàng với số lượng nhỏ.  Những siêu thị của Wal-Mart tại Hàn Quốc nằm ở khu ngoại ô, sản phẩm của siêu thị thường được đóng thành những gói lớn gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc chọn mua sản phẩm.

         Thêm vào đó, hàng hóa ở chuỗi cửa hàng này thường được đóng gói rất kỹ và kiểu cách nên nhiều khách hàng tỏ ra e ngại khi muốn xem xét cẩn thận món hàng mà họ muốn mua. Trong khi đó, các cửa hàng của Hàn Quốc thường sắp xếp hàng hóa theo hướng thuận tiện nhất cho khách hàng quan sát, so sánh các mặt hàng cùng loại với nhau. Nhân viên bán hàng trong các cửa hàng của Hàn Quốc cũng thường xuyên có mặt để kịp thời trả lời hoặc hướng dẫn khi khách hàng cần đến.

Thiết kế chưa có tên – 13

          Mặc dù, thế mạnh tạo nên sự khác biệt của Wal-Mart chính là giá rẻ nhờ việc cắt giảm tối đa những chi phí liên quan như nhân viên, cơ sở hạ tầng. Wal-Mart áp dụng chiến lược “Giá rẻ mỗi ngày” làm giá trị cốt lõi đem đến cho khách hàng. Nhưng những khách hàng Hàn với thu nhập trung bình trên đầu người là 24.000 USD/ năm và tổng số thời gian làm việc trung bình mỗi năm hơn 2000 giờ, họ cần nhiều thời gian hơn là giá rẻ.

          Một nguyên nhân nữa đó là người dân Hàn Quốc luôn có lòng trung thành rất cao với những sản phẩm nội địa. Họ không dễ dàng thay đổi nhãn hiệu yêu thích của mình chỉ vì giá rẻ. Trong siêu thị Wal-Mart tại Hàn Quốc, các kệ hàng tràn ngập hàng hóa nhập khẩu từ phương Tây và đồ đóng hộp. Trong khi người dân Hàn Quốc lại có xu hướng ưa chuộng hàng nội và thực phẩm tươi sống nhiều hơn.

        Như vậy, việc vận dụng và thay đổi mô hình kinh doanh là cần thiết ngay cả đối với những doanh nghiệp hàng đầu như Wal-Mart nếu muốn thành công.

         3. Quản trị sự thay đổi là gì? Tại sao cần quản trị sự thay đổi?

        Từ câu truyện ngụ ngôn về quản trị sự thay đổi được ẩn dụ thông qua hình ảnh một đàn chim cánh cụt thay đổi nơi ở – tảng băng đến câu chuyện đời thực về sự thất bại của Wal-Mart tại Hàn Quốc khi giữ nguyên mô-tip kinh doanh thành công tại Mỹ áp dụng tại Hàn Quốc. Sự thành công của đàn chim cánh cụt khi chuyển sang “ngôi nhà” mới an toàn hay sự thất bại của Wal-Mart đều chính là kết quả của quản trị sự thay đổi dẫn tới. 

         Theo đó, có thể hiểu quản trị sự thay đổi chính là tổng hợp các hoạt động quản trị nhằm chủ động phát hiện, thúc đẩy và điều khiển quá trình thay đổi của doanh nghiệp phù hợp với những biến động của môi trường kinh doanh, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển trong môi trường kinh doanh biến động.

          Theo P.Dejager, “Sự thay đổi là sự dịch chuyển từ trạng thái cũ sang trạng thái mới, là sự loại bỏ cái cũ trong quá khứ và nhận lấy cái mới cho tương lai”.

          Sự thay đổi ở đây được hiểu là quá trình cải tổ một cách chủ động nhằm mục đích tạo sự cạnh tranh lớn hơn cho tổ chức. Sự thay đổi có thể từ việc lớn như tái cơ cấu tổ chức, tổ chức lại hoạt động các bộ phận,áp dụng qui trình, công nghệ mới,… đến việc nhỏ như tổ chức lại phong cách hoạt động, thay đổi chất lượng sản phẩm,… Đối với tổ chức, thay đổi suy cho cùng là nhằm mục đích nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng sản phẩm để giữ thế cạnh tranh và phát triển, từ đó làm gia tăng lợi ích chung của tổ chức.Đối với cá nhân, thay đổi giúp cho công việc thú vị hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn, và bản thân cảm thấy năng động hơn, tự tin hơn, hiện đại hơn.

          Từ câu truyện ngụ ngôn về quản trị sự thay đổi được ẩn dụ thông qua hình ảnh một đàn chim cánh cụt thay đổi nơi ở – tảng băng đến câu chuyện đời thực về sự thất bại của Wal-Mart tại Hàn Quốc khi giữ nguyên mô-tip kinh doanh thành công tại Mỹ áp dụng tại Hàn Quốc. Sự thành công của đàn chim cánh cụt khi chuyển sang “ngôi nhà” mới an toàn hay sự thất bại của Wal-Mart đều chính là kết quả của quản trị sự thay đổi dẫn tới. 

          Có một đáp số chung là dường như để có được mô hình kinh doanh thành công, doanh nghiệp đã từng trải nghiệm và thất bại. Như vậy để hạn chế rủi ro trong quá trình thay đổi mô hình kinh doanh, doanh nghiệp cần phải có quy trình quản trị sự thay đổi thậm chí là tới cả quá trình tái cấu trúc Doanh nghiệp.

        Thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt và khốc liệt, do vậy việc xác định lại hoặc thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp là một trong những câu hỏi mà mọi doanh nghiệp cần phải tìm ra câu trả lời. Dù muốn hay không, luôn có một chân lý “chỉ có một điều duy nhất không thay đổi, đó là sự thay đổi”. Doanh nghiệp nào sớm tìm ra và thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp trước đối thủ cạnh tranh thì sẽ chiếm giữ vị thế tiên phong và có cơ hội dẫn dắt thị trường./.

        Trong bối cạnh hội nhập toàn cầu cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cơ hội luôn đi kèm với sức ép cạnh tranh và đòi hỏi cao từ người tiêu dùng về một dịch vụ, sản phẩm tối ưu và đem tới những trải nghiệm tích cực. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp luôn cần chủ động nắm bắt xu thế thay đổi của thị trường, thay đổi và thích nghi với những điều kiện, yêu cầu mới. Quản trị sự thay đổi giúp cho các doanh nghiệp tiến hành sự thay đổi chủ động, đúng hướng và đúng thời điểm cần thiết. Đây chính là điều kiện để doanh nghiệp tồn tại và phát triển có hiệu quả trong môi trường thường xuyên biến động.

HRDC tổng hợp và chia sẻ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo bài viết: 

Nguồn:

 

CÔNG TY CP TƯ VẤN GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN SỰ  – HRDC

  • Địa chỉ: Dolphin Plaza – 28 Trần Bình – P. Mỹ Đình 2 – Q. Nam Từ Liêm – Hà Nội
  • Hotline hỗ trợ: 0866 566 366/ 0326 521 587
  • Email: connect@hrdc.com.vn

Tin liên quan

Hrdc Logo Web

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Fill out this field
Fill out this field
Vui lòng nhập địa chỉ email hợp lệ.

Menu